Việc này đã gây lãng phí rất lớn,âysânvậnđộngchợrồibỏnhân trung khiến dư luận bức xúc.
SÂN VẬN ĐỘNG CHỨA… VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Theo phản ánh của bạn đọc, PV Thanh Niênđến công trình khu thể thao xã Tịnh Giang ở thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, H.Sơn Tịnh. Thật bất ngờ khi tại sân vận động có tường rào bài bản, nhưng bên trong thì chưa xây xong. Tại đây, có 4 xe tải đang đậu trên mặt sân ướt nhẹp, bùn lầy sau vài cơn mưa. Bên trong sân là bãi vật liệu xây dựng lớn; phế thải, gạch, ngói và vật liệu của người dân phá bỏ nhà cửa...
Quan sát mặt sân, chúng tôi thấy chưa được san ủi, còn nham nhở, cỏ mọc um tùm. Có một khoảnh sân lớn, người dân tận dụng trồng cả cây keo xanh tốt. Người dân cho biết đây là khu thể thao được kỳ vọng sẽ tạo ra sân chơi tập thể dục và các môn thể thao ngoài trời cho người dân địa phương. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, sân vận động xây mãi không xong, xem như bỏ hoang.
Chỉ vào bãi vật liệu và xe tải ngổn ngang trên sân, người dân nói bây giờ sân vận động trở thành nơi chứa cát, đá, vật liệu xây dựng.
Sân vận động này rộng 8.900 m², được xây dựng năm 2018 từ vốn đầu tư xây dựng xã nông thôn mới. Đến nay, Tịnh Giang là một trong những xã đầu của H.Sơn Tịnh đạt chuẩn xã nông thôn mới, nhưng khu thể thao thì vẫn chưa xong.
Tiếp đó, PV Thanh Niênđến sân vận động xã Bình Khương, H.Bình Sơn. Đây là sân đẹp được xây dựng tường rào bài bản, nhưng bên trong cỏ dại mọc lút đầu người. Ở gần khán đài, người dân còn tận dụng trồng cả cây bạch đàn.
Người dân sống gần sân vận động cho biết họa hoằn mới có mấy đứa trẻ vào đây đá bóng. Do không hoạt động nên sân động gần như bỏ hoang, chỉ để cho cỏ mọc, thành nơi người dân thả bò và phơi rơm. Một vài lần có sự kiện đá bóng, xã lại cho người lên dùng máy cắt cỏ, cắt cây, nhưng mặt sân đá lởm chởm nên ai cũng ngao ngán vì sợ té ngã, chấn thương.
UBND xã Bình Khương cho biết sân vận động này xây dựng với kinh phí 1,5 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư xã nông thôn mới, trên diện tích 10.000 m² và đã hoàn thành năm 2021.
VÌ SAO KHÔNG SỬ DỤNG?
Không chỉ 2 sân vận động trên, mà còn nhiều sân vận động ở Quảng Ngãi được xây dựng rất bài bản, nhưng quanh năm chỉ sinh hoạt vài lần, gây lãng phí. Chẳng hạn sân vận động ở các xã, thị trấn: Bình Trung, Châu Ổ, Bình Minh (H.Bình Sơn) nhìn bề ngoài thì hoàn thiện nhưng vào bên trong mặt sân lồi lõm, cỏ dại thi nhau mọc nên thanh thiếu niên không thể hoạt động, nhất là môn bóng đá, vì sợ chấn thương.
Đặc biệt, sân vận động ở P.Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi rộng 14.000 m², đã đóng cửa bỏ hoang nhiều năm, giờ xuống cấp. Không khỏi xót lòng khi nơi đây từng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao (trước đây thuộc H.Sơn Tịnh), giờ bỏ hoang gây lãng phí rất lớn. Đi từ cổng vào bên trong sân, thấy cảnh nhếch nhác với rác thải, cây cỏ um tùm. Ở giữa sân còn có bãi cát lớn do Công an TP.Quảng Ngãi tịch thu cát lậu rồi tận dụng sân vận động làm nơi chứa cát tang vật.
Theo ông Trương Thanh Thảo, Chủ tịch UBND P.Trương Quang Trọng, năm 2014, TT.Sơn Tịnh nhập địa giới hành chính về TP.Quảng Ngãi thành P.Trương Quang Trọng, sân vận động Sơn Tịnh được TP.Quảng Ngãi giao cho phường này quản lý. Tuy nhiên, do P.Trương Quang Trọng chỉ quản lý về mặt hành chính, còn kế hoạch sử dụng đất là của cấp trên nên sân vận động bỏ hoang nhiều năm qua.
Theo UBND P.Trương Quang Trọng, không chỉ sân vận động trên, mà nhiều công trình, nhà làm việc ở vị trí đắc địa khác (khi nhập địa giới từ H.Sơn Tịnh về TP.Quảng Ngãi) đã bị bỏ không, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
Theo ông Nguyễn Văn Anh, Phó chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi, hiện đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đang trình T.Ư phê duyệt. Khi đồ án được phê duyệt, mới tính đến phương án sử dụng sân vận động Sơn Tịnh hiệu quả, phù hợp với quy hoạch. Vì vậy, UBND P.Trương Quang Trọng có trách nhiệm giữ gìn sân vận động, không làm mất mỹ quan đô thị.
Giải thích về tình trạng sân vận động của xã, ông Võ Hồng Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Khương, cho biết sẽ cho lực lượng tổ chức phát dọn cỏ cây. Thế nhưng theo ông Thắng, càng ngày càng ít người chơi ở sân này. Lý do là thanh niên lo đi làm ăn, không có thời gian chơi thể thao vào ban ngày; còn ban đêm thì sân không có đèn chiếu sáng. Hơn nữa, sân xây dựng ban đầu có lớp đất mặt, nhưng sau thời gian thì bóc ra, đá lởm chởm trồi lên nên ít người dám đến đây chơi thể thao. Hằng năm, xã cũng không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng; chỉ huy động phát dọn, cắt cỏ mặt sân khi có hoạt động thể thao của xã, nhưng các hoạt động này cũng rất ít.
CHỢ "ĐÓN ĐẦU" CŨNG BỊ BỎ HOANG
Nhiều chợ ở các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được cho là "đón đầu" nông thôn mới, xây dựng tiền tỉ rồi bỏ hoang. Đó là chợ xã Nghĩa Phương, H.Tư Nghĩa, xây dựng cách đây 6 năm với diện tích gần 5.000 m², kinh phí 5 tỉ đồng, giờ tiểu thương không vào bán buôn với lý do: chợ xây không hợp lý, giá thuê cao. Còn chợ Ga ở xã Tịnh Thọ, H.Sơn Tịnh, xây dựng trên diện tích 4.000 m², kinh phí 4 tỉ đồng, thế nhưng 2 năm nay chưa tiểu thương nào vào bán.
Bà Nguyễn Thị Mai (50 tuổi), tiểu thương trú xã Tịnh Thọ, cho biết chợ Ga không có cổng, tường rào, nên sợ trộm cắp. Hơn nữa, chợ xây kiểu này sẽ bị nắng rát, mưa tạt, trong khi lô sạp làm quá nhỏ mà cho thuê giá cao, tiểu thương vùng nông thôn này lại bán ế. Với lý do này, tiểu thương không thuê lô, sạp chợ Ga để bán, mà kiến nghị nên để họ vào bán trước, sau đó lời lãi ra sao mới tính đến chuyện thuê.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đặng Sơn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đơn vị là cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ngãi, nên chỉ có nhiệm vụ tổng hợp các hoạt động chung. Vấn đề ngân sách bố trí vốn, hạ tầng, thiết chế văn hóa… là của các cơ quan chuyên môn, chỉ có các sở, ngành mới kiểm tra đầy đủ.
"Văn phòng không có kiểm tra rà soát, hằng năm chỉ làm việc với các địa phương, các sở, ngành, sau đó họ đề xuất các công trình, dự án đảm bảo tiêu chí nông thôn mới đặt ra mà thôi", ông Nguyễn Đặng Sơn giải thích.